Giá xăng dầu ngày 4/7: Tiếp tục về dưới mức đến khó tin

Hôm nay (4/7), giá dầu thế giới giảm nhẹ trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại khả năng Mỹ sẽ khôi phục thuế quan cao hơn, trong khi các nhà sản xuất lớn được dự báo sẽ sớm tăng nguồn cung.

Thị trường thế giới

Theo Oilprice lúc 4h30 ngày 4/7/2025 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent ở mốc 68,55 USD/thùng, giảm 0,82% (tương đương giảm 0,57 USD/thùng). Tương tự, giá dầu WTI ở mốc 66,85 USD/thùng, giảm 0,98% (tương đương giảm 0,66 USD/thùng).

Giá xăng dầu hôm nay (4/7): Thế giới và trong nước cùng giảm
Ảnh minh họa

Hai hợp đồng dầu đều tăng lên mức cao nhất trong một tuần sau khi Iran tuyên bố ngừng hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Liên Hợp Quốc (IAEA), làm dấy lên lo ngại rằng tranh chấp hạt nhân kéo dài của nước này có thể leo thang thành xung đột vũ trang. Đồng thời, việc Mỹ và Việt Nam đạt được thỏa thuận thương mại sơ bộ cũng góp phần hỗ trợ giá dầu trong ngắn hạn.

Nhóm các nước sản xuất dầu OPEC+ được cho là sẽ thống nhất tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày tại cuộc họp chính sách vào cuối tuần này. Kỳ vọng nguồn cung tăng thêm này càng làm gia tăng áp lực lên giá dầu.

Tâm lý thị trường còn bị ảnh hưởng bởi báo cáo cho thấy hoạt động dịch vụ của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới trong tháng 6 chỉ tăng ở tốc độ thấp nhất trong vòng 9 tháng qua. Nguyên nhân đến từ nhu cầu trong nước yếu và sự sụt giảm của đơn hàng xuất khẩu mới.

Việc tồn kho dầu thô tại Mỹ bất ngờ tăng cũng phản ánh những bất ổn trong nhu cầu tiêu thụ tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Theo số liệu công bố ngày thứ 4 từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô nội địa đã tăng thêm 3,8 triệu thùng trong tuần qua, nâng tổng tồn kho lên 419 triệu thùng, trái ngược với kỳ vọng giảm 1,8 triệu thùng từ các nhà phân tích được Reuters khảo sát.

Giới phân tích cho rằng thị trường sẽ đặc biệt chú ý tới báo cáo việc làm tháng 6 của Mỹ, dự kiến công bố vào thứ 5. Báo cáo này có thể định hình kỳ vọng về mức độ và thời điểm mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm. Nếu lãi suất giảm, điều đó có thể kích thích hoạt động kinh tế và kéo theo nhu cầu tiêu thụ dầu tăng lên.

Thị trường trong nước

Giá xăng, dầu trong nước cùng giảm 930 – 1.210 đồng một lít từ 15h ngày 3/7, sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương – Tài chính.

Cụ thể, giá xăng RON 95-III giảm 1.210 đồng, xuống 19.900 đồng một lít. E5 RON 92 cũng hạ 1.090 đồng, còn 19.440 đồng. Sau điều chỉnh, giá xăng bán lẻ trong nước về ngang mức đầu tháng 6.

Tương tự, các mặt hàng dầu giảm 930 – 1.150 đồng một lít. So với cách đây 7 ngày, dầu diesel bớt 940 đồng, xuống 18.400 đồng mỗi lít. Dầu hỏa và mazut lần lượt có giá mới 18.130 và 15.800 đồng.

Giá xăng dầu hôm nay (4/7): Thế giới và trong nước cùng giảm
Ảnh minh họa.

Như vậy, giá xăng RON 95 trong nước đã giảm 2 phiên liên tiếp sau 5 phiên tăng. Hiện tại, giá nhiên liệu này đang ở mức thấp trong 4 năm qua, tương đương thời điểm tháng 6/2021. Từ đầu năm đến nay, xăng RON 95 tăng 15 lần, giảm 13 lần. Dầu diesel có 14 lần tăng, 13 lần giảm và một lần giữ nguyên.

Kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương – Tài chính không trích lập, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.

Cũng theo liên Bộ, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này chịu ảnh hưởng của các yếu tố chủ yếu như OPEC+ dự kiến tăng sản lượng khai thác dầu trong tháng 8; Iran tuyên bố đình chỉ hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA); dự trữ dầu thô của Mỹ tăng; xung đột quân sự giữa Nga với Ukraine vẫn tiếp diễn… Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua biến động lên, xuống tùy từng mặt hàng.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa hai kỳ điều hành giá là: 77,826 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92; 79,622 USD/thùng xăng RON95; 84,578 USD/thùng dầu hỏa; 86,932 USD/thùng dầu diesel 0,05S; 420,764 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S.

Từ 1/7, thuế giá trị gia tăng (VAT) với xăng dầu giảm 2%, từ 10% về 8%, theo Nghị quyết của Quốc hội.