Chỉ rõ nguyên nhân khiến hóa đơn tiền điện tháng 6 tăng mạnh
Nhiều người than thở rằng hóa đơn tiền điện trong tháng 6 vừa qua tăng mạnh, thậm chí tiền điện của một số gia đình còn tăng đột biến.
Sao không phải thời điểm khác mà mùa nắng nóng lại điều chỉnh giá điện?
Tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc, nhiều người dân than phiền về việc hóa đơn tiền điện tháng 6 tăng đột biến so với thường lệ. Trên các diễn đàn mạng xã hội, không ít người phản ánh tiền điện tăng 20-50%.
Một trong những nguyên nhân khiến hóa đơn tiền điện tăng đột biến so với tháng trước là bởi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tăng giá bán lẻ điện lên 2.204,06 đồng/kWh (chưa VAT), tương đương tăng 4,8%, áp dụng từ 10.5.
Theo tính toán của EVN, với việc tăng giá điện 4,8%, mỗi hộ gia đình sẽ phải trả thêm 4.350 – 62.150 đồng/tháng. Tuy nhiên, việc tăng giá vào cao điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện nhiều – trong khi biểu giá bán lẻ điện tính theo lũy tiến bậc thang đã khiến hóa đơn tiền điện của người dân tăng vọt, trở thành gánh nặng cho người dân, nhất là những người có thu nhập thấp.

Anh Phạm Duy Dinh (công nhân thuê trọ xã Vĩnh Thanh, TP Hà Nội) cho biết, hiện gia đình anh không sử dụng tivi, đồng thời thường xuyên tắt điện để tiết kiệm điện. Nhưng các thiết bị làm mát và đồ điện tử như máy giặt, điều hòa nhiệt độ, bình nóng lạnh, quạt điện, bếp điện… bắt buộc phải sử dụng. Mỗi tháng vào mùa hè, gia đình gồm 4 người phải trả 700.000-800.000 đồng tiền điện.
Ba tháng nay, công ty ít việc, anh chỉ được đi làm 15 ngày, nghỉ 15 ngày còn lại/tháng; được hưởng 80% lương cơ bản. Còn vợ anh làm công nhân trong Khu công nghiệp Quang Minh, hưởng lương theo sản phẩm.
“Thu nhập không đảm bảo, trong khi vợ chồng tôi có rất nhiều khoản phải trang trải. Riêng tiền nhà, mỗi tháng đã phải trả 1,5 triệu đồng cho 2 căn phòng trọ. Đối với công nhân, tăng chi phí thêm đồng nào là tăng thêm gánh nặng cho họ. Tôi rất mong công nhân thuê trọ được tính theo giá điện sinh hoạt như bình thường, đồng thời được hưởng giá điện phù hợp” anh Dinh nói.
“Nghĩ cũng lạ, sao không điều chỉnh giá điện vào thời điểm khác, mà cứ đến mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao mới điều chỉnh? Mức tăng 4,8% thoạt nhìn thì không nhiều, nhưng khi cộng thêm tiền thuê nhà, tiền nước… sẽ thấy các khoản chi cố định đều tăng, khiến nhiều gia đình buộc phải thắt lưng buộc bụng”, anh Nguyễn Hồng – phường Tây Mỗ, TP Hà Nội thắc mắc.
Nguyên nhân hóa đơn tiền điện tăng
Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, tháng 6 hàng năm thường là cao điểm của mùa nắng nóng, và năm nay, khu vực miền Bắc đã phải trải qua 3 đợt nắng nóng gay gắt, kéo dài trên diện rộng với nền nhiệt có thời điểm lên tới trên 40°C.
Điều kiện thời tiết cực đoan không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt mà còn khiến nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt là điện sinh hoạt, tăng cao đột biến – dẫn tới hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng mạnh, gây ra những băn khoăn trong dư luận.
Theo ghi nhận của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, trong tháng 6.2025, sản lượng điện thương phẩm tại 27 tỉnh, thành phố phía Bắc (không bao gồm Hà Nội) đạt 9,85 tỷ kWh – mức cao nhất trong các Tổng công ty phân phối thuộc EVN.
Đặc biệt, ngày 2.6, sản lượng tiêu thụ điện lập kỷ lục với 373,6 triệu kWh trong một ngày, còn công suất đỉnh lần lượt đạt 17.400 MW vào lúc 13h15 và 18.084 MW vào lúc 22h00 – tăng tới 684 MW chỉ sau chưa đầy 9 tiếng. Các con số này cho thấy thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài đã tác động mạnh đến hành vi sử dụng điện của người dân.
Việc học sinh, sinh viên nghỉ hè ở nhà cũng khiến thời gian sử dụng điều hòa, quạt, tủ lạnh kéo dài liên tục cả ngày lẫn đêm.
Đáng lưu ý, khi chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài nhà quá lớn, các thiết bị làm mát buộc phải vận hành với công suất cao hơn để duy trì hiệu quả, dẫn đến lượng điện tiêu thụ tăng vọt dù thời gian sử dụng không đổi.
Trước dự báo nắng nóng còn tiếp diễn, Tổng công ty Điện lực miền Bắc khuyến cáo người dân thực hành các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Theo đó, những thay đổi nhỏ trong thói quen hàng ngày có thể mang lại hiệu quả rõ rệt về chi phí – đặc biệt trong giờ cao điểm (13h00–15h00 và 20h00–23h00).
Ưu tiên sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng; điều chỉnh điều hòa ở mức 26–28°C, kết hợp quạt mát; tận dụng ánh sáng tự nhiên ban ngày; tắt các thiết bị điện khi không sử dụng.
Về lâu dài, lắp đặt điện mặt trời mái nhà sẽ giúp các hộ gia đình, doanh nghiệp chủ động nguồn điện, giảm đáng kể chi phí, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo và giảm phát thải khí nhà kính theo định hướng của Chính phủ
Theo biểu giá mới này, giá điện sinh hoạt được tính theo bậc thang từ 1-5, tương đương bằng 90 – 180% giá bán lẻ điện bình quân vừa được áp dụng ngày 10/5 vừa qua, 2.204,07 đồng/kWh. Trong đó, bậc rẻ nhất tính cho hộ gia đình dùng dưới 100 kWh thay vì 50 kWh hiện nay, còn bậc cao nhất từ 701 kWh trở lên.
Giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt gồm 5 bậc, gồm: Bậc 1 (0 – 100 kWh/tháng), tỷ lệ so với mức giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh theo thẩm quyền là 90%; bậc 2 (101 – 200 kWh/tháng), bằng 108% giá bán lẻ điện bình quân; bậc 3 (201 – 400 kWh/tháng), bằng 136% giá bán lẻ điện bình quân; bậc 4 (401 – 700 kWh/tháng), bằng 162% giá bán lẻ điện bình quân và bậc 5 cho kWh 701 trở lên, bằng 180% giá bán lẻ điện bình quân.