Thật phiến diện khi đặt câu hỏi “sao biết có bão vẫn đi”, “sao không mặc áo phao”…; dữ liệu chứng minh các nạn nhân vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 không làm sai điều gì.
Từ chiều 19/7, khi thông tin về vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 tại Hạ Long, Quảng Ninh bắt đầu được cập nhật, bên cạnh hàng triệu lời cầu nguyện tha thiết mong cứu sống được nhiều người và có phép màu cho những trường hợp còn mất tích, trên mạng xã hội cũng xuất hiện không ít bình luận quy lỗi cho các du khách trên tàu như đại ý: “Biết có bão mà còn đi?”, “Sao lại ra khơi trong thời tiết nguy hiểm như vậy?”, “Vì sao không mặc áo phao đầy đủ?”…
Rất nhiều người bất bình giống như tôi vì cảm thấy soi mói đồng bào đang gặp nạn là biểu hiện của sự vô cảm, thiếu tình người. Ngoài ra, phát ngôn như vậy còn là phiến diện, vội vàng và thiếu hiểu biết. Nhìn nhìn lại toàn cảnh vụ việc, các dữ liệu đều cho thấy những người có mặt trên con tàu Vịnh Xanh 58 gặp nạn hôm 19/7 không hề làm sai điều gì.

Lực lượng cứu hộ tiếp cận tàu Vịnh Xanh 58 vào chiều ngày 19/7. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Thứ nhất, họ không ra khơi bất chấp thời tiết. Tàu Vịnh Xanh 58 rời cảng vào lúc 12h55 ngày 19/7, trong điều kiện thời tiết nắng đẹp, không có lệnh cấm xuất bến. 13h30, bản tin cảnh báo có giông lốc mới được gửi đến cho cảng vụ Quảng Ninh, nhưng tàu đã xuất bến trước đó hơn nửa tiếng và gặp dông lốc đột ngột. Theo báo cáo, tàu Vịnh Xanh bị lật vào thời điểm khoảng 13h30 – 14h.
Không hành khách nào có thể biết rằng bầu trời trong xanh trước khi họ bước chân lên thuyền lại “trở mặt” nhanh đến vậy. Họ là du khách, không thể luôn cầm điện thoại nghe dự báo thời tiết khi đi chơi. Họ đặt niềm tin vào hướng dẫn viên du lịch, thuyền viên và chiếc tàu đủ điều kiện được cấp phép xuất bến.
Trước đó, các bản tin cảnh báo bão cũng nêu rõ ngày 21/7 bão mới vào Vịnh Bắc Bộ. Ngày 20/7, Cảng vụ Đường thủy và Đăng kiểm phương tiện thủy nội địa mới ban hành công văn khẩn tạm dừng cấp phép rời cảng, rời bến đối với các phương tiện vận chuyển khách tại tỉnh Quảng Ninh.
Ở thời điểm trước lúc xảy ra thảm kịch, lựa chọn lên tàu của hành khách đều là hợp pháp và hợp lý. Họ không may chứ chẳng hề liều lĩnh hay coi thường cảnh báo.
Lời trách cứ “sao không mặc áo phao” của nhiều cư dân mạng cũng được chứng minh là vô căn cứ. Tại buổi họp báo ngày 20/7, ông Bùi Hồng Minh – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh khẳng định: “Quá trình trục vớt, có đến 80-90% nạn nhân được đưa từ trong tàu ra mặc áo phao. Như vậy, trước đó thuyền trưởng đã cảnh báo cho hành khách mặc áo phao để sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất lợi”.
Anh Đặng Anh Tuấn, người sống sót sau thảm họa, kể lại rằng anh kịp cúi xuống gầm ghế lấy áo phao và khoác vội; các hành khách khác cũng làm tương tự. Chưa đầy 10 phút kể từ khi cơn dông ập tới, tàu bị gió quật lật úp. Khi tàu nghiêng, một số người bị va đập, kiệt sức hoặc không tìm được lối thoát ra khoang ngoài.

Anh Đặng Anh Tuấn – một trong những nạn nhân may mắn thoát nạn, nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.
Lực lượng cứu hộ đã có mặt chỉ 10 phút sau khi nhận được tin báo về vụ tai nạn, không đợi phê duyệt. Tàu bị lật nhưng vẫn nổi bán phần. Việc cứu người được thực hiện từng phút một, từng giờ một, suốt cả đêm lẫn ngày. Tỉnh Quảng Ninh đã huy động gần 1.000 người cùng hàng trăm phương tiện, trong đó có tàu cứu hộ, thuyền ngư dân, ca nô chuyên dụng, đội thợ lặn đặc công và nhiều thiết bị sonar dò tìm dưới nước.
Trong cuộc đua giành lại sự sống này, mọi đơn vị đều đã làm phần việc của mình đúng, đủ và hết sức; điều đau xót là trước diễn biến quái dị, bất thường của thiên nhiên, nỗ lực của con người chỉ đem lại kết quả hữu hạn.
Tất nhiên khi nhìn lại một sự cố hay tai nạn, tìm ra nguyên nhân, sai sót để rút kinh nghiệm trong cuộc sống tương lai là điều cần thiết; nhưng điều đó không có nghĩa là vội vàng quy lỗi hay phán xét, nhất là với những người đang gặp nạn. Có thể người đặt câu hỏi như vậy không có ác ý, nhưng rõ ràng đã gây tổn thương.
Điều nên làm nhất với những người không có điều kiện tham gia cứu hộ là chia sẻ, động viên, là sự giúp đỡ dành cho nạn nhân và gia đình họ sau này. Trước sự tấn công của thiên nhiên, chúng ta cần nắm chặt tay nhau!