Sau khi có c;ảnh b;áo giông lốc, vì sao còn nhiều tàu trên vịnh? Phó giám đốc Sở giải thích

Sau khi có cảnh báo giông lốc, vì sao còn nhiều tàu trên vịnh?

Trả lời câu hỏi 13h30 ngày 19/7 Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quảng Ninh cảnh báo có giông lốc nhưng vẫn còn nhiều tàu trên vịnh, Phó giám đốc Sở Xây dựng Bùi Hồng Minh giải thích chiều 19/7 các tàu vẫn hoạt động là do chưa có chỉ đạo chính thức của tỉnh và Trung ương. Ngoài ra, khoảng 15h30 đã có thông báo thời tiết bình thường nên vẫn cho tàu hoạt động, không làm gián đoạn hoạt động của du khách.

Về ý kiến giông lốc thì có hướng dẫn cảnh báo thế nào, ông Minh cho biết trong luật đã quy định gặp giông lốc thì quy trình như nào, thuyền trưởng phải nắm được cách ứng phó. Cảng vụ cũng đã thông tin cho chủ tàu để ứng phó.

Sau vụ lật tàu, Sở sẽ rà soát quy trình cảnh báo sao cho có hướng dẫn cụ thể hơn với từng tình huống. Các phương tiện thủy nội địa trên vịnh đều có tiêu chuẩn và phải tuân thủ ngay cả phương án thoát hiểm thoát nạn. “Nhưng trong những tình huống hy hữu như hôm qua, với những phương tiện thoáng hết thì cũng chưa chắc người bên trong thoát hết được”, ông Minh nói.

z6823435801127-9aeb889798af034-8579-6760

Ông Bùi Hồng Minh trả lời câu hỏi của báo chí. Ảnh: Duy Anh

Vì sao không huy động máy bay sớm tìm kiếm nạn nhân?

Trả lời câu hỏi tại sao lại không huy động máy bay từ sớm để tìm kiếm, cứu hộ nạn nhân, đại diện UBND tỉnh cho biết khoảng cách từ bờ ra vị trí tai nạn mất 15-20 phút, nếu trực thăng ra không có điểm đỗ, trong điều kiện thời tiết phức tạp, gió có thể gây chìm.

“Quân đội không ngại nhiệm vụ gì, vì dân, không chờ xin lệnh sẵn sàng đi cứu, nhưng do điều kiện thời tiết không phù hợp”, ông Hoàng Văn Thuyết nói.

Sở Xây dựng: Không bắt buộc du khách mặc áo phao suốt hành trình

Ông Bùi Hồng Minh, Phó giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ninh, cho biết theo quy định, tàu du lịch trên vịnh Hạ Long phải có quy chuẩn an toàn cao hơn quy chuẩn quốc gia, thực tế 100% tàu đã đạt. Tàu Vịnh Xanh 58 có hệ số an toàn ổn định 2,3 (quy chuẩn là 1).

Cũng theo quy định, chỉ có hành khách đi trên phương tiện bến khách ngang sông mới bắt buộc mặc áo phao suốt hành trình. Với hành trình dài, hành khách chỉ mặc khi có nguy cơ mất an toàn và thuyền trưởng sẽ hướng dẫn. Trường hợp tàu vịnh Xanh, 80% nạn nhân được đưa ra ngoài đã mặc áo phao.

Để cấp phép cho tàu rời cảng, có ba yếu tố an toàn kỹ thuật phải đáp ứng là bảo vệ môi trường, chứng chỉ thuyền viên và thời tiết. Sở sẽ căn cứ vào dự báo thời tiết từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ninh. Nhiều năm nay, cảng vụ hợp đồng với Trung tâm, ngày có ba bản tin, căn cứ vào đó sẽ có phương án điều hành.

Như hôm qua bản tin dự báo lúc 6h30 và 10h đều thông báo vịnh Hạ Long có gió cấp 2-3, đến 13h30 có cảnh báo giông lốc. Tàu Vịnh Xanh 58 xuất bến lúc 12h45, trước cả khi có cảnh báo. Ngay sau khi nhận bản tin bổ sung thì cảng vụ đã triển khai cho dừng cấp phép toàn bộ phương tiện tàu du lịch và thông tin trên nhóm các chủ tàu, yêu cầu chủ tàu báo cáo tình hình hoạt động.

Giông lốc ập đến đẩy tàu Vịnh Xanh 58 lật úp trong vài giây, nạn nhân sống sót lặn vào khoang cứu người, nhưng một số đã không còn thở.

Sáng 20/7, nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, anh Đặng Anh Tuấn, 36 tuổi, trú tại phường Phú Diễn, Hà Nội, kể cùng nhóm bạn 12 người xuống Hạ Long chơi cuối tuần. Ban đầu nhóm không định lên tàu tham quan vịnh mà chỉ xuống ăn uống, tắm biển.

Sau bữa trưa 19/7, cả nhóm ra bến tàu gần cầu Bãi Cháy chơi, được nhiệt tình mời chào mua vé thăm vịnh. Thấy trời trong xanh, cả nhóm đổi ý mua vé lên tàu hai tầng sơn trắng, dài hơn 20 m. Họ ngồi hết khoang dưới, anh Tuấn chọn ghế cuối tàu. Tàu có áo phao, tuy nhiên chủ tàu không yêu cầu du khách mặc.

Anh Đặng Anh Tuấn hiện đang được điều trị ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Duy Anh

Anh Đặng Anh Tuấn hiện được điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Duy Anh

Sau khoảng 20 phút ổn định hơn 40 hành khách, trong đó có nhiều trẻ em, lúc 12h55 tàu rời bến. Theo hành trình tuyến hai vịnh Hạ Long, thuyền trưởng cũng là chủ tàu Đoàn Văn Trình lần lượt đưa khách thăm các hòn Chó Đá, Đỉnh Hương, Gà Chọi, vào hang Sửng Sốt, hang Luồn, đảo Ti Tốp và trở về bến cảng chiều cùng ngày.

Tuy nhiên khi rời bến khoảng 4 km, gần đến hang Đầu Gỗ, cơn giông bất ngờ ập tới. Bầu trời từ xanh ngắt, nắng gắt chuyển sang tối sầm. Tàu chao đảo theo từng cơn sóng, có lúc nghiêng hơn 40 độ. “Mọi người đề nghị chủ tàu cho quay lại thay vì tiếp tục hành trình. Tuy nhiên, ông ấy động viên du khách chịu khó vì sắp tới điểm tham quan đầu tiên”, anh Tuấn kể lại.

Nạn nhân cứu nhau

Sóng, gió ngày càng mạnh, mưa xối xả khiến trời mù mịt. Anh Tuấn cúi xuống dưới gầm ghế lấy áo phao và khoác vội. Các hành khách khác cũng làm tương tự. Chưa đầy 10 phút kể từ khi cơn giông ập tới, tàu đang tròng trành thì bị gió quật lật úp chỉ trong vài giây. Tất cả hành khách và thuyền viên rơi xuống biển. Lúc đó gần 14h.

Hành khách hoảng loạn la hét, anh Tuấn và nhiều người vùng vẫy trong khoảng không duy nhất ở mỏm tàu. Hít một hơi dài, anh lặn xuống tìm đường thoát ra ngoài nhưng thất bại vì nhiều cửa kính bị kéo kín. Ngoi lên trong khoang tàu đang chìm dần, anh lấy sức lặn xuống lần hai. “Ngó xung quanh, tôi thấy một khoảng sáng nên bơi lại và may mắn thoát ra ngoài”, anh Tuấn kể.

Ra khỏi tàu, anh Tuấn bị mưa táp cho rát mặt, nhưng cố leo lên phần đáy tàu đang nổi, nơi có vài người ở đó. Mất vài phút trấn tĩnh, anh cùng người đàn ông và một phụ nữ tìm kiếm nạn nhân. Vì xuống sức, anh không dám vào trong tàu, chỉ dùng hai chân dò dọc thành tàu, tìm khoảng hở, sau đó lặn xuống luồn dây vào bên trong để hy vọng người gặp nạn bám vào và thoát ra.

Tàu Vịnh Xuân bị lật úp, được lực lượng chức năng xoay trở lại rạng sáng 20/7. Ảnh: Hoàng Phong

Tàu Vịnh Xanh 58 bị lật úp, được lực lượng chức năng xoay trở lại rạng sáng 20/7. Ảnh: Hoàng Phong

Chân xước vì kính cứa, anh Tuấn kéo được 4 người ra ngoài, nhưng chỉ hai người sống, hai người khác đã tím tái, được hô hấp nhân tạo nhưng không tỉnh lại. Lênh đênh trên biển đến gần 17h, anh Tuấn và những người khác được lực lượng cứu hộ đưa vào bờ.

Cũng đi trên tàu Vịnh Xanh 58 là vợ chồng, hai con và ba người thân khác của chị Thùy Linh, 38 tuổi. Họ từ Ocean Park 2, Hưng Yên xuống tham quan vịnh Hạ Long khi thấy trời nắng đẹp, biển êm. Bão Wipha mới vào Biển Đông, còn cách xa vịnh Bắc Bộ hơn 1.000 km. Gia đình chị ngồi ở khoang hành khách, trong khi một số du khách lên boong tầng 2 chụp ảnh.

Cơn giông lốc ập đến quá nhanh khiến trời mù mịt. “Tôi chỉ cảm thấy tàu rung lắc vài giây rồi nghiêng, lật úp xuống biển”, chị Linh nhớ lại.

Chị cùng một số người chui vào được khoang tàu, có không khí để thở. Tự tin với khả năng bơi, chị lặn xuống, lần theo cửa kính đang mở thoát khỏi tàu, sau đó quay lại tìm chồng con và hướng dẫn người khác thoát ra. “Tôi vào tàu hai lần, có mấy người cũng thoát được, lần thứ ba quay lại thì nước ngập cao, khoang có không khí thu hẹp, không thở được”, chị nói.

Chị Linh chưa hết bàng hoàng sau tai nạn. Ảnh: Lê Tân

Chị Linh đau đáu vì chưa tìm thấy chồng và hai con sau tai nạn. Ảnh: Lê Tân

Buộc dây níu nạn nhân để tránh trôi

Lần thứ ba quay lại tàu lật, chị Linh đưa được một người đàn ông ra ngoài. Thấy người này lịm dần, chị cố gắng hét lớn, động viên và mặc áo phao cho ông. “Một lúc sau thì chú ấy không thở nữa, tôi phải lấy dây thừng buộc vào người cho đỡ trôi đi”, chị nói, khóc nghẹn vì chưa tìm thấy chồng và hai con.

Cũng lên tàu Vịnh Xanh 58 tham quan cùng đoàn 13 người lớn, một trẻ em, anh Mai Xuân Hải 42 tuổi, đến từ Bắc Ninh và thuyền viên Vũ Anh Tú, 25 tuổi, bị văng ra ngoài khi tàu lật. Họ cùng hai người đàn ông ôm ghế gỗ bơi vào bờ, được một đoạn thì một người kiệt sức, buông tay. Chừng ba giờ sau, ba người trôi khoảng một km vào luồng hàng hải có nhiều tàu đi qua và được tàu cá cứu.

Sau khi tàu lật, anh Đinh Đức Hiệp 35 tuổi, ở Hà Lầm, Quảng Ninh vội lặn xuống cứu người. Anh đưa được mẹ và một số trong đoàn 8 người vào khoang chưa ngập nước để có không khí thở.

“Tôi sau đó hướng dẫn cho mẹ cùng ba người khác thoát ra khỏi tàu. Có một chú bị thương nặng quá, không cứu được, tôi dùng dây thừng buộc lại, tránh bị trôi đi”, anh chia sẻ. Không thấy bạn gái, anh Hiệp lặn tiếp, khoảng 15 phút sau đưa lên nhưng bạn đã không qua khỏi do uống nhiều nước.

Tìm kiếm nạn nhân xuyên đêm

Tiếp nhận thông tin tai nạn từ các tàu gần đó, đến 17h tỉnh Quảng Ninh đã huy động biên phòng, hải quân, cảnh sát biển, công an, cảng vụ với khoảng 300 người, sau tăng lên 1.000 cùng hơn 30 tàu xuồng ra cứu hộ. Sở chỉ huy cứu hộ, cứu nạn được thành lập gồm: Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Biên phòng, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, UBND tỉnh Quảng Ninh.

Lực lượng cứu hộ chia làm nhiều nhóm. Một nhóm khoảng 30 thợ lặn xuống biển, lần mò vào khoang tàu lật tìm kiếm nạn nhân. Một nhóm bao vây xung quanh vị trí tàu lật, dùng phương tiện dò tìm. Phương án đưa sà lan cùng cần cẩu đến xoay cho tàu đứng thẳng để thuận lợi tìm kiếm nạn nhân cũng được tính đến, tuy nhiên tàu nặng, sóng lớn, rất khó cột dây xung quanh để kéo lên.

Theo báo cáo của chủ tàu khi xuất bến, Vịnh Xanh 58 chở 48 hành khách và 5 thuyền viên. Đến 23h đêm qua, các lực lượng cứu được 10 người, vớt được hơn 30 thi thể. Công tác tìm kiếm được triển khai xuyên đêm.

Đến 0h hôm nay, nhà chức trách quyết định lật tàu để thuận lợi tìm nạn nhân. 48 phút sau, tàu được lật nghiêng, 4 thi thể lần lượt được tìm thấy trong tàu, gồm cả thuyền trưởng. Báo cáo mới nhất lúc 10h hôm nay của UBND tỉnh Quảng Ninh, tàu Vịnh Xanh 58 lúc xảy ra sự cố có 49 người (giảm 3 so với ban đầu), gồm 46 du khách và 3 thuyền viên, hiện còn 4 người mất tích.

Tàu Vịnh Xanh 58 sau khi được lật trở lại rạng sáng 20/7. Ảnh: Hoàng Phong

Tàu Vịnh Xanh 58 sau khi được lật trở lại rạng sáng 20/7. Ảnh: Hoàng Phong

10 người bị thương được đưa về Bệnh viện Bãi Cháy và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, hiện sức khỏe đã ổn định. Các thi thể được đưa về nhà xác Bệnh viện Bãi Cháy ở phường Việt Hưng chờ người nhà đến nhận. Một số đã được đưa về nhà lo hậu sự ngay trong đêm. Hầu hết nạn nhân quê miền Bắc, nhiều nhất là Hà Nội trên 20 người. Họ đi du lịch theo gia đình, nhóm bạn thân, người lớn tuổi nhất 53, nhỏ nhất mới lên 3.

Tối qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính có công điện chia buồn với gia đình người bị nạn, đồng thời phân công Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tới hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình những người bị nạn. Các cơ quan được yêu cầu điều tra nguyên nhân tai nạn, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có); rà soát, kiểm tra toàn bộ quy trình trong công tác an toàn hàng hải, tổ chức rút kinh nghiệm, khắc phục ngay hạn chế, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho tàu thuyền đang hoạt động.

Bước đầu tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ gia đình nạn nhân tử vong là 25 triệu đồng/người, nạn nhân bị thương 8 triệu đồng/người. Ủy ban MTTQ tỉnh hỗ trợ gia đình nạn nhân tử nạn 5 triệu đồng/người, người bị thương 3 triệu đồng/người. Một số doanh nghiệp trên địa bàn cũng trợ giúp gia đình người tử vong 40 triệu đồng/người, người bị thương 25 triệu đồng/người.

Gần một ngày sau chuyến tàu thăm vịnh Hạ Long, chị Thùy Linh ở Hưng Yên đau đáu vì lạc mất chồng và hai con. Còn anh Mai Xuân Hải ở Bắc Ninh trăn trở: “Trước lúc tàu lật, boong có 5 thành viên trong đoàn tôi, không biết còn ai sống sót?”.

Lê Tân – Phạm Chiểu – Duy Anh