Chi tiết bộ đề thi lái xe mới 07/2025. Giảm ‘ôn mẹo, học vẹt’ khi thi bằng lái

Bộ đề lý thuyết sát hạch lái xe mới tăng độ khó, đổi cấu trúc giúp giảm tình trạng người thi chọn đáp án theo cách học mẹo, học tủ như bộ đề trước đây.

Có lịch đăng ký sát hạch bằng lái hạng B vào cuối tháng 7, anh Thanh Tùng, 24 tuổi, đang tích cực luyện bộ đề 600 câu lý thuyết để chuẩn bị thi. Anh cho biết, trong bộ đề mới do Cục CSGT biên soạn chính thức được áp dụng từ 1/6 có nhiều câu hỏi đáp án na ná nhau, yêu cầu người học phải hiểu được tình huống, sa hình để chọn câu đúng.

“Hầu hết câu hỏi phải hiểu bài mới đưa ra đáp án đúng. Điều này khác với bộ đề cũ có nhiều cách học mẹo, chọn đáp án theo dấu hiệu nhận diện từ câu hỏi mà không cần hiểu tình huống”, anh Tùng nói, cho biết để làm thuần thục 600 câu hỏi ở bộ đề mới phải cần đến nửa tháng ôn luyện qua bộ đề trực tuyến.

Giáo viên hướng dẫn anh Thanh Tùng học lý thuyết sát hạch bằng lái ôtô theo bộ đề mới tại Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Hóc Môn, ngày 4/7. Ảnh: Đình Văn

Giáo viên hướng dẫn anh Thanh Tùng học lý thuyết sát hạch bằng lái ôtô theo bộ đề mới tại Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Hóc Môn, ngày 4/7. Ảnh: Đình Văn

Từ 1/6, bộ đề sát hạch bằng lái xe gồm 600 câu hỏi được đổi mới do Cục CSGT biên soạn. Trong đó có gần 180 câu được sửa đổi, bổ sung và soạn mới, số còn lại giữ nguyên. Các câu hỏi chia thành 6 chương gồm: quy định chung và quy tắc giao thông đường bộ, văn hóa giao thông, đạo đức người lái xe, kỹ thuật lái, cấu tạo và sửa chữa, báo hiệu đường bộ và giải thế sa hình, kỹ năng xử lý tình huống.

Nhiều năm giảng dạy thi bằng lái xe, ông Nguyễn Tấn Tài cho biết trong bộ đề cũ có khoảng 100 câu hỏi về quy định tốc độ, khái niệm quy tắc lái xe, chở hàng cồng kềnh… Ở nhóm câu hỏi này, thí sinh có thể chọn câu trả lời đúng bằng mẹo là khi thấy từ khóa như: không được, không được phép hay cơ quan có thẩm quyền cấp phép xuất hiện trong nhóm đáp án. Đối với câu hỏi có từ: phải, quan sát, bảo dưỡng, xe chữa cháy thì chọn đáp án dài nhất.

Việc này khiến nhiều thí sinh nhìn qua nhóm đáp án có thể chọn cách trả lời đúng mà không màng đến nội dung câu hỏi. Tuy nhiên, bộ đề mới đã đổi cấu trúc nhiều câu hỏi, đáp án khiến người thi phải học hiểu mới đưa ra được đáp án chính xác.

Ông Tài dẫn chứng như câu hỏi về loại xe nào được chạy tốc độ tối đa cho phép là 50 km/h ngoài khu vực đông dân cư ở bộ đề cũ có 3 đáp án hoàn toàn khác nhau về từ ngữ. Người thi chỉ cần chọn câu duy nhất có chữ “ôtô trộn bêtông, ôtô xi téc”. Còn với bộ đề mới đã tăng lên thành 4 đáp án nhưng trong các câu đều có chữ “trừ xe buýt”, “ôtô chở người đến 28 chỗ”, “ôtô kéo theo rơ-moóc xi téc”, bắt buộc người giải đề hiểu rõ tình huống.

“Bộ đề đưa ra nhóm đáp án đa dạng phần nào giúp người học và người dạy thay đổi cách từ học vẹt, học tủ sang học hiểu”, ông Tài nói.

Sau

Bấm để lật ảnh sau/trước
Trước

Cùng một câu hỏi, ở bộ đề mới có 4 đáp án đa dạng về từ ngữ so với bộ đề cũ chỉ có đáp án và từ ngữ đơn giản, dễ chọn đáp án đúng theo từ khóa “ôtô trộn bêtông, ôtô xi téc”.

Nói thêm về thay đổi của bộ đề mới, ông Nguyễn Xuân Thực, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Hóc Môn, cho rằng cách đặt câu hỏi cũng đã giảm bớt những đáp án kiểu ăn liền, quá đơn giản như theo dạng “yes/no”.

Ví dụ như câu: Hành vi đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường lưu thông có bị cấm hay không đã được thay thế bằng câu: Hành vi đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông nào bị cấm. Sự thay đổi này giúp người học dành nhiều thời gian hơn để ôn luyện thay vì học theo từ khóa, học mẹo như trước đây.

Thống kê của trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Hóc Môn, hơn 4.000 học viên sát hạch bằng lái ôtô qua 8 đợt trong tháng 6/2025 số lượng đậu lý thuyết từ 69-89%, tỷ lệ này có sự giảm nhẹ khi áp dụng bộ thi mới.

Tuy vậy, theo ông Thực, bộ đề mới vẫn giữ nguyên đến 2/3 số lượng câu hỏi cũ nên thí sinh có thể vận dụng một số câu theo kiểu học mẹo trước đó. Chưa kể trên mạng xã hội xuất hiện nhiều video hướng dẫn học mẹo ở cả bộ đề mới khiến thí sinh còn thói quen tìm cách đơn giản để giải đề thay vì học để hiểu luật.

Đại tá Trần Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, Cục CSGT, cho biết 600 câu hỏi mới được xây dựng giúp học viên dễ tiếp cận nhờ cách đặt câu hỏi rõ ràng, không đánh đố và bám sát thực tiễn. Sau một tháng triển khai bộ đề thi đã hạn chế một phần thí sinh học vẹt, học mẹo khi thi bằng lái, song vẫn còn một số cách đưa ra hướng dẫn khác để đối phó nên tình trạng này chưa thể dứt điểm.

“Sắp tới đơn vị nghiên cứu, bổ sung bộ câu hỏi sát hạch để hạn chế tối đa tình trạng học đối phó, giúp người dân nắm chắc luật giao thông có bằng lái”, đại tá Nhật nói.

Lãnh đạo Phòng CSGT TP HCM kiểm tra nơi tổ chức sát hạch bằng lái ôtô cho người dân ở Trung tâm đào tạo và sát hạch bằng lái Hóc Môn. Ảnh: Minh Bằng

Lãnh đạo Phòng CSGT TP HCM kiểm tra nơi tổ chức sát hạch bằng lái ôtô cho người dân ở Trung tâm đào tạo và sát hạch bằng lái Hóc Môn. Ảnh: Minh Bằng

Từ ngày 1/3, cảnh sát giao thông toàn quốc bắt đầu tiếp nhận các nhiệm vụ tổ chức sát hạch, cấp giấy phép lái xe ôtô; đổi, cấp lại bằng lái; cấp giấy phép lái xe quốc tế… từ ngành giao thông vận tải. Đến nay, cả nước đã có hơn 705.105 người hoàn tất đào tạo lái xe nhưng chưa được dự thi sát hạch.